Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19
Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam xin trích đăng toàn bộ nội dung bài viết: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19 đăng trên http:chinhphu.vn/ ngày 27/11/2021.
(Chinhphu.vn) - Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ hỗ trợ chuyên sâu cho tối thiểu 100 doanh nghiệp thành các điển hình thành công về chuyển đổi số, từ đó làm mẫu, lan tỏa cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp còn lại.
Chương trình hướng tới mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; đồng thời thiết lập được mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn trong lĩnh vực sản xuất đang gặp nhiều khó khăn trong xác định lộ trình chuyển đổi số, nên bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào, lựa chọn giải pháp nào là phù hợp. Thông thường, những công việc này cần đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm cả về kinh doanh và công nghệ để giúp các doanh nghiệp triển khai”.
Theo ông Hùng, với hạn chế về nguồn lực tài chính và chuyên môn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức để xây dựng Lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình. Chính vì vậy, một trong các hoạt động của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết bài toán này. Đội ngũ chuyên gia của Chương trình sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng Lộ trình chuyển đổi số, phù hợp với thực trạng, ngành nghề, mục tiêu và nguồn lực của doanh nghiệp. Nhờ đó, các doanh nghiệp có được bức tranh tổng thể, một chiến lược dài hạn và có đầy đủ thông tin cần thiết để chủ động triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình.
Ông Đỗ Hoàng Hải, chuyên gia chính của Chương trình chuyển đổi số cho biết: “Gói xây dựng Lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhằm giúp công ty xác định được các mục tiêu, phương hướng chuyển đổi số, xác định những việc phải làm với một lộ trình, nguồn lực phù hợp với doanh nghiệp. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, làm việc với các cán bộ của công ty, nhóm chuyên gia sẽ cung cấp cho doanh nghiệp bức tranh tổng thể nhất và các bước đi cụ thể cần phải làm để đạt được các mục tiêu chuyển đổi số đề ra”.
Do đó, các doanh nghiệp được chọn lọc trong đợt đầu phải có mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số, đáp ứng các tiêu chí cao nhất để các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng làm hình mẫu, áp dụng kinh nghiệm chuyển đổi số.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Lê Duy Anh, Tổng Giám đốc CTCP Xuân Hòa cho biết, khi dịch COVID-19 xảy ra, chuyển đổi số đã giúp công ty thích ứng nhanh với mô hình làm việc mới, gia tăng hiệu quả làm việc và duy trì được sức cạnh tranh. “Để sống sót qua đại dịch, doanh nghiệp buộc phải tối giản và hiệu quả quy trình sản xuất. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực trở thành công xưởng của thế giới ở những ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, chúng tôi còn phải cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp ở các công xưởng khác của châu Âu, châu Phi và châu Mỹ”, ông Lê Duy Anh nói.
Sau hơn 2 tháng làm việc và triển khai các hoạt động khảo sát về tổng quan, chiến lược và hiện trạng doanh nghiệp, tổ chuyên gia của Chương trình đã đưa ra Báo cáo tư vấn về các phân tích, đánh giá thực trạng và xác định phương hướng, xây dựng mục tiêu chuyển đổi số và khuyến nghị lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Trong đó tổ chuyên gia đã giúp công ty xác định 3 nhóm phương hướng ưu tiên chính cho việc chuyển đổi số là: Hướng tới chuẩn hóa, tối ưu quy trình và chuyển đổi số các quy tình sản xuất; hướng tới tăng trưởng doanh thu, mở rộng tập khách hàng, thị trường; hướng tới thay đổi mô hình kinh doanh.
Lộ trình cũng nêu rõ cách thức chuyển đổi số từng phần để giải quyết từng vấn đề cụ thể trước, tiến tới chuyển đổi số toàn diện. Theo đó, đến năm 2025, công ty sẽ hoàn thành việc áp dụng các công nghệ số vào các hoạt động kinh doanh, giúp quản trị hiệu quả và gia tăng doanh số, mở rộng tập khách hàng, đối tác.
Ghi nhận sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số của Chương trình, ông Lê Duy Anh cho biết, 80% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, việc vừa làm vừa cải tiến, thích ứng là rất quan trọng để doanh nghiệp Việt vừa nâng quy mô doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh. Vì vậy, vai trò của đội ngũ tư vấn giúp doanh nghiệp nhìn nhận rõ lộ trình và xây dựng quy trình chuyển đổi số là vô cùng quan trọng.
Ông Duy Anh chia sẻ, công ty đã hướng tới xây dựng nhà máy thông minh. Tuy nhiên, trong bối cảnh công ty có nhiều loại sản phẩm, có độ tùy biến cao, danh mục nguyên vật liệu phức tạp, đội ngũ lãnh đạo công ty đã rất trăn trở trong việc tìm hướng đi chuyển đổi số. Tuy nhiên, công ty đã được các chuyên gia của Chương trình đã hỗ trợ công ty xây dựng được một lộ trình chuyển đổi số bài bản, như một bản đồ giúp công ty có phương hướng rõ ràng về chuyển đổi số.
Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam
Tiêu chuẩn Quốc tế - Giá trị bền lâu